Là một nét đẹp trong văn hoá ẩm thực của Tết cổ truyền dân tộc, mứt Tết không chỉ là những món ăn chơi mà còn ấp ủ trong hương vị thơm ngon dân dã đó những ý nghĩa tốt lành cho một năm mới với mọi điều viên mãn. Vì thế, cùng với bánh chưng, dưa hấu, mai vàng, khay mứt ngày Tết là một trong những điều không thể thiếu của gia đình Việt.
1. CÁCH LÀM MỨT LẠC
Nguyên liệu:
– Lạc
– Đường
– Bột nếp
Cách làm:
– Chuẩn bị sẵn sàng các nguyên liệu.
– Làm nóng chảo, cho lạc vào rang chín, chú ý đảo đều tay, lửa nhỏ để lạc không bị cháy.
– Trút lạc ra đĩa. Cho bột nếp vào lò vi sóng quay 2 phút.
– Cho đường và nước vào chảo, đun đến khi đường tan hết và nước bắt đầu sủi tăm.
– Dùng thìa khuấy đều đến khi có dung dịch sánh như si rô, kéo ra thấy thành sợi. Đổ lạc vào chảo, giảm nhỏ lửa, đảo đều tay.
– Khi si rô đường đã bọc đều các hạt lạc, đổ bột nếp vào chảo.
– Đảo thật nhanh tay cho bột phủ đều lên bề mặt lạc, tắt lửa ngay. Rây lạc cho bột thừa rơi bớt.
2.CÁCH LÀM MỨT DỪA NON NGŨ SẮC
Nguyên liệu:
– Cùi dừa: 1- 2 quả
– Đường: 500 gr
– Sữa đặc: 20gr
* Nguyên liệu làm màu ngũ sắc:
– Lá nếp: 50gr -> Màu xanh
– Bắp cải tím: 150g -> Màu tím
– Cà rốt: 300g -> Màu vàng nghệ Có thể thay bằng cam, chanh leo.
– Gấc: 100g ruột gấc cả hạt -> Màu đỏ hồng
– Bột cacao hoặc cafe: 1 thìa cà phê -> Màu nâu
Sơ chế nguyên liệu:
– Dừa bỏ vỏ cứng bên ngoài, nạo bỏ hết phần vỏ nâu.
– Lấy phần thịt gấc bóp cùng 1 thìa rượu, nặn bỏ hạt. Hòa thêm 1 bát con nước rồi lọc lấy nước gấc qua 1 cái rây.
– Cà rốt, bắp cải tím, lá nếp đem rửa sạch rồi thái nhỏ từng loại. Cho từng loại vào máy xay sinh tố, thêm 1 bát nhỏ nước rồi xay nhuyễn.
– Lọc nước cốt từng loại để riêng ra từng bát khác nhau.
Cách làm:
– Dùng dao cắt đôi quả dừa. Dùng nạo, nạo theo vòng tròn của quả dừa để được những sợi dừa dài và mỏng.
* Lưu ý: Bạn úp chiếc bát xuống và đặt quả dừa lên xoay tròn và nạo theo thì sẽ có được những sợi dừa dài và không bị mỏi tay nhé.
– Sau đó rửa dừa đã nạo vài lần nước để dừa sạch dầu (rửa đến khi nước rửa dừa trong không còn bị đục nữa).
– Chia dừa thành 5 phần, ướp từng phần dừa vào các bát nước rau củ đã chuẩn bị cùng với đường và sữa đặc, trong khoảng 8-10 tiếng đến khi dừa tan hết đường là được nhé.
* Cứ 1 quả dừa sẽ dùng khoảng 500gr đường. Tùy thuộc vào độ to nhỏ của quả dừa các bạn có thể áng chừng lượng đường sao cho phù hợp nhé.
– Sau khi đã đủ thời gian đường đã tan hết thì các bạn bắt đầu sên dừa.
– Làm nóng chảo sâu lòng, cho hết phần dừa vào, đổ hết cả phần nước đường tan vào, để lửa vừa,đến khi phần nước đường sôi thì đảo nhẹ tay.
– Đến khi nước bắt đầu cạn, sền sệt thì bạn dùng 2 đôi đũa đảo luôn tay cho đến khi dừa khô lại nhé.
* Lưu ý: Lửa luôn ở mức vừa rồi nhỏ, Không được rút ngắn thời gian sên bằng cách để lửa to sẽ bị cháy dừa nhé.
– Làm tương tự như vậy với các phần dừa còn lại.
– Để dừa đã sên xong ra mâm cho nguội là bạn đã hoàn thành “Cách làm mứt dừa non ngũ sắc ngày Tết tại nhà” rồi nhé.
3. CÁCH LÀM MỨT QUẤT DẺO NGỌT, THƠM
Nguyên liệu:
– Quất: 1 kg
– Đường cát 700g – 800g
– Vôi ăn trầu loại trắng (7g-8g)
– Phèn chua (5g) Muối
Cách làm:
1. Để làm mứt quất được thơm ngon, bạn cần có nước vôi trong để ngâm quất khi làm mứt. Bạn cho vôi vào nước để vôi tan và lắng lại, gạn lấy nước vôi trong phía bên trên.
2. Quả quất rửa sạch, mỗi quả bạn khứa đều chia quả thành 5-6 múi, không khứa đứt quả. Sau đó bạn ấn dẹt bớt quả quất để ra bớt nước chua.
3. Ngâm quất trong nước vôi trong khoảng nửa ngày, sau đó vớt ra xả lại với nước lạnh cho thật sạch. Nước vôi sẽ giúp cho quất khi làm mứt được cứng lại, không bị nát.
Sau khi ngâm nước vôi và rửa sạch, bạn đun sôi 1 lít nước cho phèn chua giã nhỏ hòa vào. Khi nước sôi thì cho tắc vào, tắt bếp và đậy vung chừng 5-7 phút rồi xả toàn bộ quất một lần nữa với nước sạch.
4. Uớp quất với đường và thêm vào 1 xíu muối, ướp đến cho đến khi đường tan hết.
5. Và đến công đoạn sên mứt quất nhé! Quất sau khi được ngâm nước vôi trong sẽ cứng hơn, tuy nhiên không phải vì thế mà bạn có thể đảo liên tục quất khi sên mứt đâu nha. Bạn để lửa vừa khi quất sôi, sau đó vặn nhỏ lửa và đun quất cho sôi thật nhẹ. Thỉnh thoảng đảo đều quất để đỡ bị cháy. Sên cho tới khi đường dẻo bạn vớt tắc ra.
6. Rồi bạn mang mứt quất còn ướt đem phơi chừng 2 – 3 nắng hoặc cho vào sấy khô thì món mứt quất sẽ rất dẻo và thơm ngon. Sau đó cho vào lọ thủy tinh để bảo quản.
4. CÁCH LÀM MỨT MÍT THƠM NGON
Nguyên liệu:
– 1 kg mít dai
– Nửa cân đường
– Vani
Cách làm:
– Mít mua về bóc lấy múi rồi gỡ bỏ hạt. Gỡ cẩn thận để múi mít không bị rách đôi. (Bạn có thể mua mít múi đã gỡ sẵn ngoài hàng).
– Đổ đường vào chảo nấu cho tan (1kg mít có thể dùng nửa cân đường. Nếu không thích ngọt bạn có thể giảm bớt lượng đường).
– Cho mít vào và trộn ít vani, đảo nhẹ nhàng cho mít ngấm đường đến khi thấy keo lại, kéo đũa ra sợi chỉ thì tắt bếp, để nguội.
– Cho mứt vào lọ thủy tinh đậy kín, ăn dần
5. HƯỚNG DẪN CÁCH LÀM MỨT GỪNG
Nguyên liệu:
Gừng tươi: 1 kg
Đường cát trắng: 500 gram
Chanh tươi: 01 quả
Vani: 1 ống
Nếu bạn làm nhiều gừng hơn thì cứ 1 kg gừng tươi, bạn chuẩn bị thêm 500 gram đường cát trắng và 01 ống vani. Gừng nên chọn gừng ta, củ ngon, nhỏ, nhiều nhánh hoặc bánh tẻ để có vị thơm và cay vừa đủ độ. Gừng sau khi mua về, bạn rửa sạch, để ráo nước và cạo sạch vỏ, bỏ các mắt gừng nhỏ.
Cách làm:
Bước 1: Gọt vỏ gừng. Bạn nên đi găng tay khi gọt để tránh bị bỏng khi gọt số lượng nhiều. Sau khi gọt nên ngâm ngay gừng vào nước lạnh hoặc thái miếng mỏng dọc thân củ hoặc thái tròn tùy theo sở thích trước khi ngâm nước. Bạn thái miếng càng mỏng thì mứt gừng sẽ càng ngon.
Bước 2: Vớt gừng đã thái và để ráo nước. Bạn cho gừng vào nồi, thêm nước ngập mặt gừng rồi đun cho đến khi sôi nước. Đổ nước và tiếp tục đun gừng trong nước mới thêm 2-3 lần nữa để gừng bớt cay. Trong lần đun cuối cùng, bạn cho thêm nước cốt 01 quả chanh hoặc dấm gạo để gừng sau khi chế biến sẽ có màu trắng đẹp mắt.
Bước 3: Vớt gừng và tiếp tục để thật ráo nước. Luôn để gừng tại vị trí cao, sạch sẽ trong suốt quá trình chế biến nhé bạn.
Bước 4: Ướp gừng với đường cát trắng. Bạn có thể trải gừng thành từng lớp trong nồi hoặc chậu, một lớp gừng sẽ phủ lên một lớp đường mỏng cho đến khi hết gừng và đường. Nếu bạn làm ít gừng, có thể cho chung gừng và đường vào nồi, xóc đều để các miếng gừng đều có đường. Ướp gừng với đường từ 6-7 tiếng hoặc cho đến khi đường tan hết. Trong quá trình đợi đường tan, bạn có thể đảo nhẹ vài lần để gừng ngấm đều đường.
Bước 5: Sên gừng. Đây là bước quan trọng quyết định đến chất lượng món mứt gừng khô. Bạn có thể tận dụng nồi ngâm gừng để đun hoặc thay thế bằng chảo. Đun gừng và đường tại mức lửa vừa, không quá to. Thỉnh thoảng nên đảo để không bị cháy. Đến khi nước đường bắt đầu sôi và sệt hơn, bạn hạ lửa xuống mức nhỏ nhất và bắt đầu sên gừng. Nên dùng đũa để sên từ hai bên nồi hoặc chảo vừa giữa, vừa đảo nhẹ vừa không làm nát gừng. Sên đều tay từ lúc thấy nặng đũa cho đến khi đường sôi khô hết nước và lại đường. Lúc này đường đã khô và trở thành đường kết tinh có màu trắng bám xung quanh, miếng gừng khô nước và có mùi thơm.
Bước 6. Khi thấy các miếng gừng tách rời nhau và bám đường, bạn tắt bếp và tiếp tục đảo thêm 2-3 phút. Thêm vani để dậy mùi và bắc nồi ra khỏi bếp, để nguội là bạn đã có những miếng mứt gừng rất thơm, vừa ngọt vừa cay.
6. CÁCH LÀM MÓN MỨT TÁO DẺO THƠM NGON
Nguyên liệu:
– Táo ta
– Đường
– Nước vôi trong
– Phèn chua
Cách làm:
Bước 1: Táo làm mứt nên chọn mua loại táo chua. Đem rửa sạch, dùng que nhọn hay dĩa châm xung quanh quả táo, sau đó rửa lại với nước một lần nữa cho sạch nhớt.
Bước 2: Hòa tan 50g vôi cục với nước, để cho lắng cặn rồi gạn lấy phần nước vôi trong. Cho táo vào nước vôi trong ngâm táo trong khoảng 8 tiếng, sau đó vớt táo ra xả lại với nước sạch vài lần để loại bỏ mùi vôi.
Bước 3: Đun sôi khoảng 1 thìa cà phê phèn chua với nước, cho táo vào chần qua trong khoảng 1 -2 phút. Vớt táo ra, rửa lại với nước cho sạch nhớt và mùi phèn chua.
Bước 4: Cho táo vào âu lớn, cứ rải 1 lớp táo rồi đến 1 lớp đường. Ngâm táo với đường trong khoảng 5-6 tiếng hoặc đến khi đường tan. Ngâm táo với đường theo tỉ lệ 1kg táo thì dùng khoảng 500g đường.
Bước 5: Cho táo và cả nước đường vào chảo rộng, bắc chảo lên bếp đun lửa nhỏ, thi thoảng đảo đều để táo ngấm đường. Khi nước đường đã cạn hết, đảo thấy nặng tay và táo chuyển màu vàng nâu thì tắt bếp.
Bước 6: Rải táo ra mâm, đem hong ra nắng vài ngày cho đến khi táo thật khô, rắn lại và ăn hơi dai dai thì cất táo vào lọ kín để bảo quản.
Nếu trời không có nắng thì có thể cho táo vào tủ lạnh vài ngày, táo sẽ khô và rắn lại.
Cách 2
Nguyên liệu:
– Quả táo (khoảng 700g)
– 250g đường cát
– 2 muỗng canh nước cốt chanh
– Bột gạo để phủ mứt
Cách làm:
– Táo gọt vỏ, cắt khoanh (1 trái khoảng 4 đến 5 khoanh) chú ý cắt táo dầy để khi sấy táo có độ dẻo.
– Trộn đều táo với đường, nước cốt chanh cho đường tan, thấm vào táo. Thời gian để táo thấm càng lâu thì mứt càng ngon (thời gian chờ táo thấm khoảng 8 đến 10 tiếng hay qua đêm).
– Sên mứt: Cho táo vào chảo rộng vành để sên. Sên lửa vừa đến khi táo chuyển sang màu cánh gián vàng nhạt thì vớt táo ra, cho lên vỉ phơi cho táo ráo và dẻo hoặc nếu không, bạn cũng có thể cho táo vào máy sấy sấy khoảng 5 đến 8 tiếng cho táo ráo.
– Bột gạo hay bột nếp cho vừa đủ vào nồi rang chín (khoảng 5 phút), để nguội. 5 Cho táo vào túi nylon, cho phần bột gạo vào, lắc đều cho phần bột bao đều lấy.
– Cho táo vào túi nylon, cho phần bột gạo vào, lắc đều cho phần bột bao đều lấy táo, khi miếng táo rời ra, không dính nữa là được.
– Cho táo vào lọ đậy kín và dùng dần.
7. LÀM MỨT HẠT SEN BÙI VỊ
Nguyên liệu:
Sen trần loại khô, hoặc hạt sen tươi nhưng phải phơi cho héo bớt
Nước hoa bưởi
Đường trắng
Cách làm:
Bước 1: Ngâm hạt sen và ninh nhừ
Nếu dùng hạt sen còn vỏ ngoài thì ta cần bỏ vỏ, sau đó cho vào nước ngâm
Sau đó vớt ra cho vào nồi luộc sôi, sau đó chắt hết nước
Cho thêm nước tiếp theo và ninh nhỏ lửa cho hạt sen chín mềm. Sau đó nhẹ nhàng vớt ra cho vào nước đá lạnh, sau đó vớt để ráo nước.
Bước 2: Ướp đường vào hạt sen
Hạt sen để ráo nước ở bước 1, chúng ta cho vào một chiếc âu sạch, sau đó đổ đường vào theo tỉ lệ 1:6 . Để như thế cho tới khi đường chảy thành nước hết
Bước 3: Cô đường– hoàn thành mứt hạt sen
Khi đường tan hết, chúng ta chắt lấy nước đường cho vào một cái nồi nhỏ
Đặt lên bếp đun, khi nước đường sền sệt cho thêm nước hoa bưởi và hạt sen vào giảm lửa liu riu.
Đảo nhẹ tay, cho tới khi đường kết màng trắng bao quanh hạt sen khi đó tắt tắt bếp.
Để hạt sen nguội là có thể dùng được.
8. MỨT CÀ CHUA BI
Nguyên liệu:
– Cà chua bi: 1kg
– Đường cát trắng: 400gr
– Vôi: 30gr
Cách làm:
– Ban đầu bạn hòa vôi với khoảng 2 lít nước, sau đó khuấy đều. Để nước vôi trong lại, bạn gạn lấy nước vôi trong phía trên để chuẩn bị làm mứt cà chua bi.
– Bạn chọn những quả cà chua bi chín đỏ, không dập nát, tươi ngon để dành làm mứt cà chua. Cà chua bi rửa sạch vỏ, dùng que nhọn để chọc từng lỗ nhỏ trên cà chua.
Sau đó bạn cho cà chua vào ngâm với nước vôi trong khoảng 10 tiếng hoặc để qua đêm.
– Sau khi đã ngâm cà chua qua đêm, bạn mang cà chua ra rửa sạch vài lần với nước lạnh để loại bỏ mùi vôi. Sau đó cho ra rổ để cho cà chua ráo nước.
– Ướp cà chua với đường cho đến khi đường tan hoàn toàn. Nếu bước này bạn thích ăn mứt cà chua bi ngọt hay nhạt thì bạn gia giảm lượng đường khi làm mứt cà chua bi nhé!
– Cho cà chua và nước đường ngâm cà chua vào một cái xoong dày. Cho sôi lên rồi hạ lửa ở mức thấp nhất sao cho mứt cà chua bi chỉ sôi nhẹ, liu riu thật nhỏ. Thỉnh thoảng, bạn lắc xoong để nước đường ngấm hơn vào các mặt trên của cà chua bi để làm mứt cà chua được ngọt đều.
– Khi nước đường đã cạn, những quả cà chua bi đã thành mứt cà chua bi có độ dẻo, và màu sắc đỏ óng ả thì bạn tắt bếp. Nếu muốn làm mứt cà chua bi được khô hơn, bạn có thể bỏ toàn bộ phần mứt cà chua đã làm vào sấy khô khoảng 5-10 phút ở nhiệt độ 100 độ C là được.
Mứt cà chua bi khi sấy xong, bạn nhớ bỏ vào lọ thủy tinh để bảo quản nhé!
9. MỨT DỪA DẺO
Nguyên liệu:
– Dứa: 2 quả to
– 250g đường
– 15ml nước cốt chanh (khoảng 1 quả chanh to)
– 1 chút xíu muối
Cách làm:
Dứa gọt vỏ, bỏ mắt, bỏ lõi. Hai quả dứa to sau khi gọt vỏ bỏ lõi chỉ còn khoảng 450g, ta xay nhỏ, đổ dứa đã xay qua rây gạn bỏ bớt phần nước dứa. (450g dứa với 250g đường ra thành phẩm chua chua ngọt ngọt, tùy theo dứa ngọt hay chua các bạn cho thêm hoặc bớt đường cho vừa với khẩu vị)
Dứa xay nhỏ sau khi ép qua rây bớt phần nước, ta trộn đều dứa với đường và muối, ướp dứa trên chảo chống dính khoảng 1h cho đường tan hết.
Đường tan hết ta bắc chảo dứa lên bếp sên dứa lửa trung bình, đảo cho đến khi nước đường rút hết, đường bắt đầu keo lại ta đổ nước cốt chanh vào chảo, hạ nhỏ lửa tiếp tục đảo đều khoảng 20-25′ cho đến khi hỗn hợp bắt đầu keo cứng lại thì tắt bếp.
Chuẩn bị thêm 1 ít đường, mứt dứa để còn ấm ấm ta dùng bao tay nilon rồi vê mứt lại thành những viên tròn rồi lăn qua đường để chống dính. Mứt dứa nguội ta cất hộp kín bảo quản nơi thoáng mát.
10. LÀM MỨT GỪNG DẺO
Nguyên liệu:
– 1 quả dứa (khóm, thơm) cỡ khoảng 600 gr
– 2 củ gừng khoảng 350 gr
– 150 gr đường, 1 muỗng canh mạch nha hay siro hoặc mật ong, 25 ml nước cốt chanh dừa khô vụn
Cách làm:
Bước 1: Dứa gọt vỏ, bỏ lõi thái miếng, sau đó băm hay xay hơi nhỏ. Vắt bỏ nước (bạn có thể tận dụng nước dứa này làm gẹo gôm rất tuyệt).
Gừng gọt vỏ, rửa sạch, thái sợi mỏng, luộc sơ qua nước sôi 3 phút, đổ ra rổ để ráo.
Bước 2: Dứa, gừng, đường, nước cốt chanh cho vào nồi/chảo bắc lên bếp sên với lửa vừa 10 phút. Sau đó hạ thấp lửa tiếp tục sên.
Bước 3: Khi thấy nước bắt đầu hơi sánh thì cho mạch nha vào. Lúc này, thường xuyên đảo để tạo độ dẻo và cứ như thế sên cho đến khi tất cả quyện thành 1 khối dẻo dính khô ráo là tắt bếp.
Bước 4: Để mứt gừng dẻo nguội thì vo viên nho nhỏ lăn qua dừa khô là hoàn tất.
Mứt gừng dẻo lăn dừa bạn cần cho vào hũ bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh dùng dần. Nếu bạn không có dừa vụn thì cứ để không như thế rồi gói vào giấy bóng kính như kẹo vẫn rất ngon.
Hãy cùng tự tay làm những loại mứt Tết cho gia đình trong dịp Tết này. Vừa tiết kiệm lại đảm bảo an toàn vệ sinh nữa. JAGODO chúc bạn có một cái Tết ấm no và hạnh phúc nhé
Nguồn: ngocdung